TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CÚM GIA CẦM

 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm (do các chủng vi rút A/H5N1 và A/H5N6) đã xảy ra tại 13 xã của 11 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 23.000 con gia cầm. Ngày 13/8/2019 bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện ở thành phố Cần Thơ vì vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm cho đàn gia cầm ở An Giang là rất cao. Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như virus H7N9; Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ với nội dung chính như sau:
- Triển khai nhanh các hoạt động kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm; kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định;
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để lây lan dịch bệnh; khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch;
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vacine cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, phù hợp với các chủng vi rút cúm gia cầm;
- Tổ chức triển khai ngay đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong phạm vi toàn tỉnh. Chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động và các vật tư hóa chất phục vụ cho công tác tiêu độc và chống dịch nếu dịch bệnh xảy ra;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm để mọi người dân tham gia, nâng cao ý thức và chủ động đấu tranh, phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.
- Tăng cường chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm để kịp thời cứu chữa; chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, tránh để dịch bệnh lây lan khi phát hiện có người nghi mắc bệnh; chủ động dự phòng đủ trang thiết bị y tế, thuốc và hoá chất cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 
Bên cạnh đó, người dân khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện bất thường, cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý tránh để dịch bệnh lây lan rộng.

Bích Phương