Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng, cơ hội Việt Nam có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ nhiều hơn là thách thức.

Responsive image
 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền ông Donald Trump với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất.

Với Việt Nam, Tiến sĩ Du - giảng viên Đại học Fulbright cho rằng, cuộc chiến thương mại này sẽ "vừa tích cực, vừa tiêu cực". Cũng như nhiều nước khác, lợi ích trực tiếp của Việt Nam đến từ cuộc chiến thương mại này là có thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại với Trung Quốc. như dệt may, da giày...

Sự dịch chuyển nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn đang là xu hướng. Căng thẳng về đầu tư Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.

Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có rủi ro. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, Nếu Trung Quốc 'mượn' thị trường Việt Nam làm nguồn xuất xứ cho hàng hoá của nước này xuất sang Mỹ, sẽ là lợi bất cập hại".

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài. Nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác, rủi ro này được Chủ tịch VCCI đặc biệt quan ngại.

Kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, theo dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hoá Trung Quốc lẽ ra xuất phẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở thế bị động, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có quan điểm cẩn trọng hơn "Theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó..." là những cụm từ được Chủ tịch VCCI nhắc tới nhiều nhất, đây là cách duy nhất để kịp thời phát hiện các dòng chuyển hướng thương mại, đầu tư, từ đó có biện pháp thích hợp nhằm tận dụng cơ hội hoặc ngăn chặn các nguy cơ.

Từ các thông tin thị trường của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. "Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các ngành... tổng hợp, phân tích nguy cơ, cơ hội với nền kinh tế; thông tin kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI đề nghị.

Theo kinhdoanh.vnexpress.net