An Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ”
Sáng ngày 22/11, Trung tâm Công nghệ sinh học - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ”. Đến dự có các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang nhấn mạnh: sản xuất nông nghiệp đã, đang và sẽ là thế mạnh của tỉnh An Giang, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh An Giang đã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng An Giang trở thành trung tâm nông nghiệp của ĐBSCL, theo đó tỉnh sẽ tập trung nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nhằm mục tiêu sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, trên cơ sở sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Tại An Giang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện vẫn chưa phát triển và được chú trọng, các giá trị tạo ra chưa nhiều, hiện tại chỉ có một số mô hình như nuôi cá tra, trồng lúa có định hướng theo hướng hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, đạt kết quả chưa cao. Trong những năm vừa qua, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ban ngành hợp tác tích cực với các đơn vị trong và ngoài nước, riêng ngành khoa học công nghệ đã hợp tác với các công ty Nhật Bản, Trường Đại học RMIT tại Australia để tìm kiếm, phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên kết quả hiện nay khá khiêm tốn, một phần là do người dân canh tác vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không được như cam kết, quy trình sản xuất khắc khe, cần thời gian khá dài để cải tạo nguồn đất. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp cũng chưa có bộ tiêu chuẩn, khung pháp lý cho việc chứng nhận, đánh giá sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Otsuka Keiichi Giám đốc Công ty Taiyo Nouen (Nhật Bản) đang đầu tư dự án trồng chuối hữu cơ tại tỉnh Hậu Giang chia sẽ quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản: thời gian cải tạo nền đất hữu cơ từ 1,5 đến 03 năm, chỉ sử dụng phân bón và thuốc BVTV có nguồn gốc tự nhiên; không sử dụng phân bón hóa học bị cấm trong quá trình canh tác, không sử dụng hạt giống biến đổi gen; đất trồng và nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV và phân bón hóa học, không sử dụng thuốc BVTV kiểm soát sâu bệnh. Quy trình canh tác phải đạt các tiêu chuẩn liên quan, như: GlobalGAP, ASIAGAP, nếu sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản thì đạt chuẩn JGAP.

Sau cùng, phải có cơ quan, tổ chức uy tín cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông sản hữu cơ: ở Nhật Bản có giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (JAS), Hoa Kỳ có giấy chứng nhận của USDA. Khi có giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ của các tổ chức uy tín thì giá trị của nông sản sẽ tăng lên, môi trường được cải thiện, nông nghiệp phát triển bền vững. Sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng được đảm bảo, qua đó nâng cao hiểu biết an toàn vệ sinh thực phẩm. 

GS.TS Võ Thị Gương đến từ Trường Đại học Tây Đô cho biết: việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sang hữu cơ về cơ bản cần phải cải tạo và quản lý đất trong canh tác sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ là vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm hữu cơ của thị trường trong nước và quốc tế. Lợi ích đáng quan tâm của hệ thống nông nghiệp hữu cơ là đạt chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Phân hữu cơ vi sinh là phân bón không thể thiếu cho sự thành công trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, qua hiệu quả cải thiện độ phì nhiêu về mặt lý hóa và sinh học đất, giảm bệnh hại từ đất, kết quả giúp tăng năng suất cây trồng. Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận đạt được trong hệ thống sử dụng phân hữu cơ vi sinh cao hơn so với canh tác truyền thống, vì thế sản xuất nông nghiệp hữu cơ là khả thi, cần được hỗ trợ và khuyến khích, dù hiện tại còn khá nhiều khó khăn và thách thức ở ĐBSCL. Trong đó sự quản lý, hỗ trợ và tham gia của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp là rất quan trọng. Một trong các định hướng nghiên cứu cần thiết cho nông nghiệp hữu cơ là sản xuất phân hữu cơ vi sinh trên cơ sở vi sinh vật có ích bản địa được phân lập trên các vùng sinh thái và hệ thông cây trồng khác nhau. Cần nghiên cứu sản phẩm BVTV sinh học thay thế thuốc BVTV hiện nay và yếu tố quan trọng là marketing, tìm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ngày 14/11 vừa qua, phát biểu khai mạc Triển lãm VietNam Foodexpo 2018 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đổ Thắng Hải nhấn mạnh: các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam trong năm nay được chú trọng trưng bày tại triển lãm và đây chính là những xu hướng của thế giới, cũng như nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng thế giới trong thời điểm này. Với những sản phẩm về chuỗi cũng như thực phẩm an toàn, đây là những điểm chúng ta gửi thông điệp đến người tiêu dùng không những ở Việt Nam mà còn ở trong khu vực và trên thế giới.

Kết thúc hội thảo, Ông Trương Kiến Thọ nhận định, công nghệ sinh học sẽ là ngành mũi nhọn, quan trọng và then chốt trong thế kỷ XXI, xu thế người tiêu dùng sẽ chọn các sản phẩm theo hướng sử dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, đó là xu thế tất yếu. Vì vậy, tỉnh An Giang cần đón đầu được xu thế này và đáp ứng để phát triển ngành nông nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế theo Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh đề ra.

Bá Đăng

Một số hình ảnh phóng sự tại hội thảo:

Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image
 
Responsive image