Đa dạng hóa thị trường để giảm rủi ro cho cá tra xuất khẩu
Trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chống bán phá giá (CBPG) rất cao cho cá tra Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro cho cá tra xuất khẩu và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.

Ông Lê Triệu Dũng - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: vừa qua, DOC đã áp mức thuế CBPG rất cao đối với cá tra Việt Nam giai đoạn từ 1/8/2015 - 31/7/2016. Cụ thể, có 8 doanh nghiệp chịu mức thuế là 3,87 USD/kg; 2 doanh nghiệp là 7,74 USD/kg; các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Một số doanh nghiệp không thuộc đối tượng rà soát lần này sẽ không bị tác động bởi kết quả rà soát. Mức thuế lần này được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay và sẽ có tác động đến kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Trước những tác động lớn như vậy, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các doanh nghiệp liên quan để bàn, thảo luận với Hoa Kỳ nhằm đưa ra biện pháp phù hợp nhất để xử lý những tác động bất lợi đối với cá tra xuất khẩu của nước ta. Đồng thời, có ý kiến với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để thể hiện quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Về lâu dài, Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược ứng phó với xu thế bảo hộ phi thương mại của Hoa Kỳ nói riêng và các quốc gia nhập khẩu nói chung. Trong đó, nội dung trọng tâm là có cơ chế cảnh báo sớm việc một số quốc gia có dấu hiệu sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ với sản phẩm của nước ta. 

Để hạn chế ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam, các Bộ ngành lien quan cần nghiên cứu, định hướng, phát triển thị trường cá tra gắn với cơ cấu ngành nuôi và chế biến. Đây là biện pháp không chỉ áp dụng cho cá tra, mà còn cho rất nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam để đảm bảo xây dựng chuỗi giá trị bền vững; Nghiên cứu kỹ những quy định, luật lệ và thực tiễn thương mại của nước nhập khẩu để tuân thủ đầy đủ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nước nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu; nghiên cứu kỹ các quy định của WTO để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp trong trường hợp có tranh chấp thương mại xảy ra.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng cần quan tâm đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro khi đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, khi xuất khẩu tăng quá nhanh ở một thị trường nhất định. 

Các biện pháp phòng vệ thương mại phi thuế quan là điều sẽ được áp dụng rất nhiều và ngày càng có xu thế phức tạp, tinh vi hơn. Do vậy, yếu tố đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý là phải tìm hiểu kỹ những tiêu chuẩn của nước nhập khẩu và cố gắng tuân thủ đầy đủ nhất các tiêu chuẩn này. Trong trường hợp các tiêu chuẩn hạn chế quá mức và không phù hợp với các quy định của WTO và các tổ chức quốc tế liên quan thì chúng ta có thể nêu ý kiến đối với các cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp thảo luận với các nước nhập khẩu, nhằm giảm thiểu, nới lỏng các quy định này trong trường hợp có thể. Trường hợp cuối cùng, nếu các quy định của các nước nhập khẩu quá chặt chẽ, có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO, cần tính tới việc đưa các vấn đề này ra WTO để có cơ chế giải quyết tranh chấp, sử dụng công cụ pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.

Theo Báo Công Thương Điện Tử